Viện Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học được Đại học Thái Nguyên cấp phép đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Quang học

Trong không khí cả nước đang hào hứng, vui tươi bước vào năm học mới, ngày 08 tháng 09 năm 2023, Trường Đại học Khoa học đã được Giám đốc Đại học Thái Nguyên cấp phép đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Quang học thuộc lĩnh vực Vật lý. Điều này đã thêm phần khẳng định nội lực vững chắc của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên với nền tảng là đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng viên có trình độ cao cùng với cơ sở vật chất thực hành, phòng thí nghiệm hiện đại đảm bảo đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực Vật lý Quang học.

Tham gia chính trong đề án đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Quang học này là các cán bộ giảng viên cơ hữu đang làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ (Viện KH&CN) của Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên. Viện KH&CN của Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên hiện có 11 tiến sĩ, 05 Phó giáo sư ngành Vật lý với số lượng công bố hàng năm từ 25-40 bài báo khoa học uy tín được đăng trên tạp chí ISI. Ngoài ra, Viện Khoa học và Công nghệ đang chủ trì 07 đề tài thuộc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), 07 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, 08 đề tài khoa học và công nghệ cấp Đại học Thái Nguyên, cấp Cơ sở và 01 đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình phát triển Vật lý tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.

Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Quang học hiện nay tại Trường Đại học Khoa học được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: Các phòng chế tạo mẫu hiện đại với các phương pháp vật lý, hóa học và sinh học; máy phân tích quang phổ huỳnh quang FLS-1000; máy phân tích phổ Raman Xplora Plus; thiết bị nhiễu xạ tia X (Bruker D2); máy đo phổ hấp thụ UV-Vis (Jasco V770); máy đo phổ hấp thụ hồng ngoại (FTIR-4600, Jasco); kính hiển vi huỳnh quang soi ngược Olympus; hệ Realtime PCR; hệ thống sắc ký khí đơn tứ cực GCMS ISQ QD; hệ máy quang phổ phát xạ nguyên tử liên kết cảm ứng plasma (ICP-OES, Horiba);  máy phân tích tổng lượng Carbon hữu cơ và tổng Nitơ (TOC/TN) Multi N/C 3100; máy quang phổ hấp thụ nguyên tử AAS Hitachi Z2000.

Các hướng nghiên cứu chính đang được các cán bộ, giảng viên, học viên nghiên cứu tại Viện KH&CN:

- Tính chất quang của vật liệu quang học và quang tử;

- Vật liệu tiên tiến xử lý môi trường, quang xúc tác và sinh học;

- Cảm biến SERS;

- Đặc tính và tính chất hấp thụ sóng điện từ;

- Vật liệu chuyển hóa và tích trữ năng lượng;

Các học viên làm nghiên cứu sinh ngành Quang học sẽ có cơ hội làm việc và được chi trả một phần chi phí học tập khi tham gia các hướng nghiên cứu mới thuộc các đề tài/ dự án đang được các giảng viên/nhà khoa học triển khai tại Viện Khoa học và Công nghệ thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên.